Chùa Bái Đính được coi là một địa danh sở hữu nhiều kỷ lục nhất và trở thành địa điểm du lịch tâm linh, nổi tiếng ở vùng đất Tràng An – Ninh Bình. Nếu bạn đang có ý định du lịch đến Ninh Bình và thăm quan Chùa Bái Đính thì hãy cùng đọc qua bài viết Thuyết minh về Chùa Bái Đính dưới đây của chúng tôi nhé!
Chùa Bái Đính nằm ở đâu?
Chùa Bái Đính là một địa điểm du lịch trong khu quần thể du lịch sinh thái Bái Đính – Tràng An, tọa lạc trên mảnh đất thiêng tại thông Sinh Dược, Gia Sinh, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình. Chùa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 18km và cách thủ đô Hà Nội 100km. Đây được đánh giá là địa điểm rất thu hút khách du lịch, mỗi năm chào đón hàng vạn Phật tử gần xa ghé thăm.
Giới thiệu sơ lược về Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính có tuổi đời hơn 1000 năm, đây là ngôi chùa có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã chọn để xây dựng tượng Phật và cũng là nơi tu hành sau này của ông. Hơn nữa, chùa còn là nơi vua Đinh Tiên Hoàng chọn để lập đàn cầu tế mong đánh thắng giặc, đem lại hòa bình cho nhân dân trong thời điểm dẹp loạn 12 sứ quân
Kiến trúc xây dựng chùa Bái Đính mang một nét quy chuẩn của chùa cổ ở Việt Nam. Công trình được xây dựng rất đồ sộ, với mái chùa chính diện gồm 3 tầng 12 mái hình đầu đao lợp mái ngói theo hình mũi hài truyền thống. Bậc thang trang trí theo kiểu dáng thời nhà Lý cũng như có sân đá rộng nhìn thẳng xuống giếng ngọc.
Chùa có khuôn viên rộng 539 héc ta, chia làm hai khu là khu chùa Bái Đính cổ với 27 héc ta và chùa Bái Đính mới được xây vào năm 2003 với 80 héc ta. Với nhiều công trình sẽ khiến bạn bất ngờ khi đến tham quan, đó là cổng Tam Quan nội và ngoại, điện Quan Thế Âm, điện Pháp chủ, Tháp chuông,….
Không gian xung quanh Chùa Bái Đính rất thanh tịnh, trồng rất nhiều cây xanh, hành lang trang trí hình tượng la hán chạy dài theo khuôn viên của chùa. Đây được coi là nơi lý tưởng cho những tăng ni, phật tử đến chiêm bái và tu tập.
Những địa danh nên nhắc tới khi thuyết minh về Chùa Bái Đính
Hang sáng, động tối
Đây là địa danh được rất nhiều khách du lịch đến tham quan khi ghé qua Chùa Bái Đính, để chiêm ngưỡng được Hang sáng, Động tối du khách phải vượt qua được 300 bậc đá, đi tiếp sẽ đến một con dốc ở ngã ba là lối dẫn vào Hang sáng, Động tối
Hang sáng, động tối là tên gọi của một nơi được dùng để thờ Phật. Hang sâu khoảng 25m, rộng 15m và cao 3m. Bên trong hang được bày trí đèn, tạo nên khung cảnh lung linh và huyền ảo
Ngoài ra, khi đến đây bạn có thể dùng những chiếc thuyền nhỏ của dân địa phương đi xuyên qua hang để ngắm nhìn được những khối thạch nhũ đẹp mê mẫn mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây
Đền thờ Thánh Nguyễn
Sau khi đã tham quan Hang sáng, Động tối bạn đi về hướng lên cổng là đến đền thờ Thánh Nguyễn. Ngôi đền này là một trong những hạng mục nằm trong khu du lịch Chùa Bái Đính, trong đền thờ thiền sư Nguyễn Minh Không.
Kiến trúc bên trong ngôi đền được thiết kế theo kiểu tiền Nhất, hậu Công. Có nghĩa là phần phía trước sẽ được thiết kế theo kiểu chữ Nhất, còn phần phía sau thiết kế theo kiểu chữ Công. Ý nghĩa của việc thiết kế như vậy là nhằm tạo nên sự vững trãi, hài hòa trong truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, bên trong ngôi đền còn có nhiều kiến trúc cổ khác như hình hoa, hình rồng, hình lân được chạm khắc sinh động khỏe khoắn.
Giếng Ngọc
Đây là địa danh nằm ngay dưới chân núi Bái Đính, tên gọi của giếng này mang ý nghĩa là hạt ngọc của trời ban cho vùng đất này. Giếng được xây hình bán nguyệt với đường kính 30m, sâu 30m, xung quanh giếng là lan can bao phủ tạo nên một vòng tròn lớn. Nước giếng mang màu xanh ngọc bích rất đẹp mắt.
Theo truyền thuyết kể lại rằng nơi đây là nơi mà thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước sắc thuốc chữa bệnh cho vua và người dân.
Tháp chuông
Đây là ngọn tháp nơi có chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Tháp gây ấn tượng với du khách với kiến trúc hình bát giác có 3 mái cong, cao 22m, đường kính 17m. Bên trong tháp treo chuông đồng nặng đến 36 tấn, cao 7m trên chuông có khắc chữ Hán và hình rồng nổi tinh xảo.
Những lưu ý khi du lịch Chùa Bái Đính
Khi đến tham quan Chùa Bái Đính, quý du khách cần lưu ý những vấn đề sau:
- Do đây là nơi tham quan linh thiêng nên du khách hãy lựa chọn những trang phục kín đáo
- Nên đi những đôi giày thể thao thoải mái thay cho những đôi cao gót vì địa hình ở đây đa phần là đồi núi, dốc cao.
- Khi đi đến tham quan Chùa Bái Đính vào mùa xuân du khách cần lưu ý mang theo một chiếc ô nhỏ, vì khí hậu miền Bắc vào mùa này sẽ có mưa phùn lất phất.
- Không nên xoa tay lên các bức tượng cũng như vẽ, tô lên chúng và những bức tường xung quanh.
- Xung quanh ngoài khuôn viên chùa sẽ có nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm, nhưng giá cả sẽ cao hơn bên ngoài. Quý khách cần lưu ý trong việc chọn mua chúng.
- Cần cẩn thận trong việc bảo vệ tư trang cá nhân để tránh tình trạng móc túi, cướp giật xảy ra.
Trên đây là bài viết của chúng tôi Thuyết minh về Chùa Bái Đính cũng như gợi ý những địa điểm cho du khách khi đến tham quan nơi đây. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ được cho quý khách trong chuyến du lịch đến thăm vùng đất Ninh Bình thân yêu này. Xin cảm ơn!